Nắm được sự tương quan giữa thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt sẽ giúp quá trình học tiếng Anh hiệu quả hơn; đồng thời, người đọc thêm hiểu, thêm yêu sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Raining cats and dogs nghĩa là “mưa như trút nước”; nhưng điều đó liên quan gì đến mèo và chó? Bite the bullet nghĩa là “ngậm đắng nuốt cay”; vậy vì sao cắn viên đạn lại mang ý đó? Hanging by a thread nghĩa là “ngàn cân treo sợi tóc”, vậy thứ gì được treo ở đây?
Chuyện kể thành ngữ Anh - Việt mang đến cho bạn đọc những lý giải thú vị và bất ngờ. Nắm được sự tương quan giữa thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt sẽ giúp quá trình học tiếng Anh thú vị và hiệu quả hơn. Đồng thời, người đọc sẽ càng thêm hiểu, thêm yêu sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao, tục ngữ và thành ngữ chiếm vị trí quan trọng. Đây là các thể loại hình thành từ vốn sống thực tiễn, trong đời sống sản xuất và quá trình đấu tranh của nhân dân. Nó phản ánh kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội hoặc thể hiện triết lý sống của dân gian.
Tục ngữ thường là câu nói hoàn chỉnh, diễn đạt trọn vẹn một ý nghĩa, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn; Có công mài sắt, có ngày nên kim; Đói cho sạch, rách cho thơm; Giấy rách phải giữ lấy lề…
Khác với tục ngữ, thành ngữ thường không thể giải thích đơn giản bằng từ ngữ cấu thành. Hầu hết câu nói đều gắn với một câu chuyện hay một điển tích, điển cố cụ thể như: Nhập gia tùy tục; Dục tốc bất đạt; Hữu xạ tự nhiên hương…
Thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Đây là phương tiện ngôn ngữ có giá trị độc đáo bởi lối diễn đạt sinh động, tinh tế, nhiều hàm ý và giàu tính biểu cảm. Nó giúp giao tiếp của con người vừa súc tích, gãy gọn, vừa ý nhị, sâu sắc. Sử dụng thành ngữ khi diễn đạt sẽ khiến lời nói, câu văn giàu hình tượng khơi gợi và thuyết phục hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về xuất xứ ngữ liệu mà mình thường dùng đó.
Thực tế, thành ngữ không cố định trong vùng địa lý hay quốc gia vì nó có sự giao lưu, liên đới văn hóa trong quá trình tiếp xúc, giao thương giữa các nước trong tiến trình lịch sử. Kho tàng thành ngữ Việt Nam vô cùng phong phú, phần lớn do nhân dân ta sáng tạo mà có, nhưng một phần cũng được tiếp nhận, lựa chọn từ các nước khác như: Anh, Pháp, Scotland…
A piece of cake (Một miếng bánh) là thành ngữ bắt nguồn từ nước Mỹ vào thế kỉ 19. Khi ấy, có một điệu nhảy thịnh hành gọi là “cakewalk” - các đôi nhảy nhót quanh một cái bánh ngọt lớn. Cặp nào nhảy duyên dáng và cuốn hút nhất sẽ được thưởng chiếc bánh ấy. Ở các vùng miền Nam, những người nô lệ cũng được thưởng bánh trong cuộc thi bắt chước điệu bộ chủ nhân. Từ đó A piece of cake được dùng để mô tả thứ gì đó dễ dàng đạt được.
Thành ngữ này càng trở nên phổ biến khi vào năm 1936, nhà thơ trào phúng Ogden Nash dùng nó trong tập thơ Primrose Path (Đường đến thiên đàng).Trong đó có câu: "Her picture’s in the papers now. And life’s a piece of cake”, tạm dịch: “Ảnh nàng đã lên báo, đời dễ dàng làm sao”.
Thành ngữ Good wines need no bush (Rượu ngon thì không cần đến nhánh cây nào) xuất phát từ chuyện kể của người Hy Lạp. Rằng anh nọ có tài nấu rượu nho, nhưng chẳng biết phải quảng cáo thế nào để bán. Nghe lời gợi ý của hàng xóm, anh ta dùng cây nho treo ngoài cửa, gợi ý rằng ở đây có rượu. Thế nhưng chẳng ai thèm để ý.
Ngày nọ, có vị khách tình cờ ghé vào quán. Anh chủ quán mang rượu ra mời. Vị khách nếm thử và vô cùng thích thú, sau đó mua liền mấy chai. Tiếng lành đồn xa, từ đó quán của anh trở nên đông khách. Thành ngữ này tương đương nghĩa tiếng Việt là “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Chuyện kể thành ngữ Anh - Việt giúp bạn đọc hiểu được nguồn gốc thành ngữ, từ đó mỗi người sẽ sử dụng thành ngữ đúng ngữ cảnh, đồng thời hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, lối sống của các quốc gia, dân tộc.
Hiểu thêm tiếng nước mình, Chuyện kể thành ngữ Anh - Việt giúp cho quá trình học hỏi một thứ tiếng khác trở nên thú vị hơn. Không thể phủ nhận và bỏ qua tầm quan trọng của tiếng Anh trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Giữa các phương pháp học tiếng Anh hấp dẫn và tối ưu khác, thì học tiếng Anh qua Chuyện kể thành ngữ Anh - Việt sẽ thật đặc biệt, sáng tạo và hiệu quả. Bên cạnh việc giải nghĩa, xuất xứ ngữ liệu của các thành ngữ, cuốn sách còn đưa ra những ví dụ đơn giản, dễ hiểu về cách sử dụng thành ngữ. Từ đó, giúp bạn đọc nhận ra sự tương đồng về ngôn ngữ.
Bên cạnh nội dung, Chuyện kể thành ngữ Anh - Việt được “chăm sóc” kỹ lưỡng về mỹ thuật và in ấn, là mạch nối dài của Chuyện kể thành ngữ I & II, Vào đời cùng lời ca dao do nhà thơ Phạm Đình Ân biên soạn đã tạo được dấu ấn đẹp trong lòng người đọc trước đó.
Nguồn: Zing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét