Xây dựng chương trình “Văn vui vẻ” để giúp học sinh hứng thú với môn Văn, tự chế dụng cụ học tập, máy chiếu để giờ học thêm thú vị… Những sáng kiến này của giáo viên đã được đánh giá cao trong mùa xét giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm 2018.
Tự chế dụng cụ học tập để “hút” học sinh
Là một trong những giáo viên để lại ấn tượng đặc biệt cho Hội đồng chuyên môn Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm 2018, cô Nguyễn Thị Mai - giáo viên Vật lý, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho thấy sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong việc nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp giảng dạy.
Cô đã có hàng loạt sáng tạo trong phương pháp, như dạy theo trạm, dạy học sinh học theo dự án nhỏ (dự án lắp ròng rọc đưa nước lên tầng 2, 3 của trường, dự án vật lý và âm nhạc, dự án tác dụng của dòng điện), phương pháp đóng vai.
Cô Nguyễn Thị Mai thuyết trình về những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của mình tại buổi xét giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” ngày 18.10.
Nhiều sản phẩm trực quan tự chế của cô Mai (như kính tiềm vọng, lắp đặt ròng rọc, bộ thí nghiệm chưng cất nước) đã khơi nguồn sáng tạo cho học sinh, biến mỗi tiết học Vật lý thành cơ hội để học sinh có thể khám phá khả năng bản thân, kích thích sự sáng tạo trong các em.
Cô Mai chia sẻ, với cô sự đam mê sáng tạo của học sinh chính là niềm vui và nụ cười mà cô nhận được sau những nỗ lực, miệt mài.
Còn cô Phạm Thị Thu Hà (Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội) đã có sáng kiến mở ra hy vọng với tình trạng chán học Văn của học sinh.
Cô Hà chia sẻ, nhận thấy chương trình “Văn vui vẻ” của kênh VTV7 Đài truyền hình Việt Nam rất ý nghĩa nên đã nảy ra ý tưởng tự xây dựng chương trình “Văn vui vẻ” phù hợp với học sinh của mình theo format chương trình. Cô thấy hạnh phúc vì học sinh đón nhận rất cởi mở và không còn quá nặng nề khi nghĩ về môn Văn như trước đây.
Thầy giáo sáng chế máy chiếu đa năng phục vụ dạy học
Với đam mê, nhiệt huyết, các thầy cô giáo không chỉ có những ý tưởng sáng tạo mà còn hiện thực hóa thành sản phẩm, giúp ích thiết thực cho các bài học cụ thể hay cho các hoạt động trong nhà trường.
Tiêu biểu như sản phẩm “Sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ 1954” của cô Văn Thị Tám cùng tổ Xã hội Trường THCS Phương Liệt; Bộ thí nghiệm lực điện từ của cô Nguyễn Thị Mai, THCS Cầu Giấy.
Đặc biệt sản phẩm “máy chiếu vật thể đa năng” của thầy Đàm Bạch Long - Trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm) đã và đang sử dụng trong tất cả các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và nhiều trường khác trong thành phố.
Các sản phẩm của thầy Long mang tới buổi xét giải đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía Hội đồng chuyên môn.
Thầy Đàm Bạch Long đem sản phẩm máy chiếu đa năng của mình đi thi giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” 2018.
Với 4 thanh sắt 35 - 40cm, 6 miếng sắt tây, một số ốc vít, camera (hoặc điện thoại smartphone) tạo ra cánh tay cơ khí, nắm đấm xoay mọi góc độ…, thầy Long đã sáng chế ra chiếc máy chiếu để phục vụ cho việc giảng dạy.
Đặc biệt, chiếc máy chiếu vật thể đa năng do thầy sáng chế có giá thành dưới 1 triệu đồng, góp phần tiết kiệm cho nhà trường và nâng cao hiệu quả trong giảng dạy.
Giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” là giải thưởng thường niên do Sở GDĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức và trao tặng các cá nhân nhiệt tình, tâm huyết công tác trong ngành giáo dục.
Giải thưởng cũng nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Nguồn: Lao động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét